Bệnh viêm da

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Phương | Chuyên Khoa: Da liễu | Nơi công tác: Trung tâm da liễu đông y Việt Nam
Theo dõi Trung tâm da liễu Đông y Việt Nam goole news

Viêm da là tình trạng viêm nhiễm phổ biến trên da gây ngứa ngáy, khô da, phát ban hoặc khiến da bị phồng rộp, rỉ nước, đóng vảy và bong tróc. Bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ, tâm sinh lý người bệnh. Nếu không xử lý đúng cách, kịp thời tình trạng viêm da có thể lan rộng, khó điều trị hoặc diễn tiến dai dẳng, tái phát nhiều lần.

Viêm da là bệnh lý phổ biến
Viêm da là bệnh lý phổ biến

Định nghĩa

Theo Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Phương (Giám đốc chuyên môn Trung tâm da liễu đông y Việt nam) đã có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và điều trị bệnh viêm da cho biết: Viêm da (tên tiếng anh là Dermatitis) là bệnh lý da liễu phổ biến và có thể gặp ở bất kì độ tuổi nào. Biểu hiện thường thấy ở người bệnh viêm da là tình trạng sưng tấy, phồng đỏ da, mụn nước, rỉ dịch, bề mặt đóng vảy sừng và tróc ra.

Dựa vào nguyên nhân và các biểu hiện trên bề mặt da, bệnh viêm da được phân loại như sau:

Viêm da dị ứng: Là tình trạng viêm da có tính chu kì, liên quan đến yếu tố di truyền và hình thành do phản ứng quá mẫn của cơ thể với các dị nguyên môi trường. Bệnh khu trú tại mặt, cổ, bàn tay, bàn chân, ở khuỷu tay hoặc sau đầu gối, nách,... với tình trạng khô da, nứt nẻ, bong tróc, nổi mụn nước cùng các mảng da tối màu, có màu đỏ hoặc nâu xám.

Viêm da cơ địa: Các triệu chứng đặc trưng của bệnh bao gồm: nổi mẩn đỏ, da khô, tróc vảy, có mụn nước và ngứa ngáy dữ dội. Bệnh gây tổn thương đa dạng ở nhiều vùng, có xu hướng xuất tiết và phân bố đối xứng. Viêm da tổ đỉa (các cụm mụn nước ăn sâu vào thượng bì, nổi gồ ghề, có màu hơi ngà vàng và gây ngứa dữ dội) và á sừng ( khô da, nứt nẻ, bong tróc vảy sừng hoặc xuất hiện mụn nước nhỏ li ti) là 2 tình trạng viêm da cơ địa điển hình, cần lưu ý và điều trị sớm.

viêm da cơ địa mãn tính
Tình trạng viêm da cơ địa mãn tính

Viêm da tiếp xúc: Là tình trạng da có phản ứng kích ứng hoặc dị ứng khi tiếp xúc với một số chất trong môi trường. Khi đó, vùng da tiếp xúc thường bị ban đỏ, gây bỏng, châm chích, ngứa hoặc phồng rộp. Nếu bệnh tái phát nhiều lần da có thể trở nên dày, thâm màu, lichen (sừng) hóa. Tổn thương xuất hiện khu trú tại chính vùng tiếp xúc hoặc lan ra toàn thân.

Viêm da tiết bã (viêm da dầu): Là tình trạng viêm da mãn tính với các mảng ban đỏ, có ranh giới rõ ràng với vùng da xung quanh, có tính đối xứng, đặc trưng bởi các vảy trắng mịn, kết cấu lỏng lẻo như cám, hình cánh hoa. Bệnh xuất hiện ở những nơi có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như hai cánh mũi, nếp gấp mũi, da đầu, lưng, ngực…

Chàm (Eczema): Là bệnh viêm da mãn tính gây ngứa dữ dội với các mảng ban đỏ, khô, sưng nề kèm theo mụn nước. Nếu bệnh diễn biến lâu dài, tái phát nhiều lần thường có dấu hiệu dày da, lichen hóa gây tróc vảy trắng và để lại thâm sạm, nứt nẻ, dày sừng.

Viêm da do virus: Là tình trạng viêm da do virus gây nên với các triệu chứng thường gặp nhất là nổi mụn nước, phồng rộp, lở loét kèm theo ngứa ngáy khó chịu. Một số bệnh viêm da do virus thường gặp là: (giời leo - do virus Herpes zoster), viêm da Herpes (do virus Herpes simplex), bệnh hạt cơm (Verrues - do virus sinh u nhú), sùi mào gà,...

Bệnh viêm da Herpes do virus Herpes gây nên
Bệnh viêm da Herpes do virus Herpes gây nên

Viêm da mủ: Viêm da mủ xuất hiện khi tụ cầu (staphylococcus) và liên cầu (streptococcus) xâm nhập, gây bệnh trên da. Những nơi tập trung nhiều mồ hôi, bã nhờn và bụi bẩn là con đường để vi khuẩn xâm nhập vào da, dẫn đến viêm da nhiễm trùng, chốc lở hay còn gọi là viêm da mủ. Bệnh đặc trưng bởi các u cục sưng viêm, có dịch bên trong, sau khi vỡ, chúng hình thành các vết loét da sâu hơn vào biểu bì

Viêm da vảy nến: Là bệnh tự miễn do rối loạn miễn dịch làm rối loạn biệt hóa tế bào sừng và hình thành các vảy da xếp chồng lên nhau. Biểu hiện khác của bệnh là các sẩn và mảng đỏ, ranh giới rõ bao phủ bởi các vảy da trắng bạc. Vảy nến gây ngứa dữ dội, xuất hiện ở các chỗ hay tì đè, cọ xát: đầu gối, cùi chỏ, khuỷu tay, mặt duỗi các chi, chỗ bị sang chấn hay có vết sẹo, bỏng,...

Viêm nang lông: Bệnh đặc trưng bởi các nang ở dưới nông bị viêm đỏ, gây đau rát và ngứa ngáy, sau các nang mủ vỡ thành điểm trợt màu đỏ, đóng vảy tiết màu nâu. Vị trí tổn thương hay gặp là các vùng có nhiều lông, tóc như vùng da đầu, lông mày, râu cằm, ria mép, nách, vùng mu, 2 cẳng chân.

Viêm da thần kinh: Bệnh liên quan xuất hiện các mảng da ngứa, lichen hóa, thường được kích hoạt bởi căng thẳng hoặc một yếu tố nào đó gây kích ứng da. Da có thể nhiễm cộm, sẫm màu, màu da hơi hồng, ranh giới rõ hoặc không rõ, đỏ hồng, nâu, tăng sắc tố nếu không điều trị đúng cách. Chúng thường xuất hiện trên một cánh tay hoặc chân, vùng sau cổ, da đầu hoặc vùng sinh dục

Bệnh viêm da thần kinh
Bệnh viêm da thần kinh ở chân

Nguyên nhân

Mỗi loại viêm da khác nhau có thể khởi phát bệnh do nhiều tác nhân khác nhau. Cụ thể, chúng được xác định là:

Nhóm bệnh viêm da liên quan đến cơ chế dị ứng - miễn dịch: viêm da dị ứng, viêm da cơ địa (á sừng, tổ đỉa), chàm,... khởi phát do một hoặc nhiều yếu tố kết hợp:

Làn da suy yếu, cấu trúc hàng rào bảo vệ da bị phá vỡ: da bị khô, nứt nẻ do đứt gãy cấu trúc tạo kẽ hở chi dị nguyên xâm nhập và kích thích hệ miễn dịch phản ứng

Phản ứng quá mẫn của cơ thể: hệ miễn dịch phản ứng quá mẫn với những dị nguyên ngoài môi trường, làm sản sinh quá mức kháng thể IgE gây ngứa, viêm và tấy đỏ da

Yếu tố môi trường: một số chất trong môi trường kích thích phản ứng dị ứng của cơ thể có thể kể đến như: khói bụi, mỹ phẩm, hương liệu, chất tẩy rửa, độc tố động vật, các thực phẩm dễ gây dị ứng (hải sản,...), phấn hoa, ánh nắng mặt trời,...

Các bệnh lý liên quan: các bệnh rối loạn về chuyển hóa, nội tiết tố, trở ngại của hệ thần kinh, tâm thần (căng thẳng, mệt mỏi, suy nghĩ quá độ,...), các ổ nhiễm trùng, kí sinh trùng đường ruột, chứng nhiều mồ hôi, viêm mũi dị ứng, hen suyễn,...

Yếu tố di truyền: trong gia đình từng có người mắc các bệnh viêm da dị ứng, đặc biệt là cha mẹ. Nếu cha hoặc mẹ mắc bệnh này thì khả năng di truyền cho con là 50%, nếu cả cha và mẹ cùng mắc, khả năng này lên đến 80%

Viêm da tiếp xúc: Nguyên nhân là do da tiếp xúc với nhiều chất kích thích hoặc gây dị ứng, chẳng hạn như độc tố cây thường xuân, đồ trang sức có chứa niken, sản phẩm tẩy rửa, nước hoa, mỹ phẩm và thậm chí cả chất bảo quản trong nhiều loại kem và lotion; cây cối (cây thường xuân độc, cây sồi,...); côn trùng (kiến ba khoang, bọ nẹt,...). Tuy nhiên, viêm da tiếp xúc kích ứng khởi phát khi tiếp xúc với nồng độ của chất gây dị ứng cao. Với viêm da tiếp xúc dị ứng, chỉ tiếp xúc với nồng độ thấp cũng thành bệnh do liên quan đến phản ứng quá mẫn chậm của cơ thể khi tiếp xúc với các chất này.

Viêm da nhiễm độc cây thường xuân
Viêm da nhiễm độc cây thường xuân

Viêm da vảy nến: bệnh do cơ chế miễn dịch và yếu tố di truyền làm nền tảng và bùng phát khi gặp các yếu tố thuận lợi.

Những người có gen HLA-B13, B17, BW57, CW6, đặc biệt là HLA-CW6 (gặp ở 87% người bị vảy nến) thường có thể di truyền bệnh sang con nếu cả cha và mẹ mắc bệnh, con có nguy cơ bị đến 50%; chỉ cha hoặc mẹ bị thì nguy cơ này là 10%

Rối loạn miễn dịch làm quá trình biệt hóa tế bào sừng (thay da) bị rối loạn khiến các tế bào da tăng sinh một cách bất thường, hình thành nên nhiều vảy da xếp chồng

Các yếu tố thuận lợi cho bệnh vảy nến bùng phát như: stress, thần kinh căng thẳng, thời tiết bị khô hanh hoặc quá lạnh, tiền sử mắc các bệnh mãn tính, bệnh viêm đường hô hấp (suyễn,...), bị chấn thương, rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa, nhiễm khuẩn, từng dùng corticoid, thuốc trầm cảm, nghiện rượu,...

Viêm da dầu: viêm da dầu khởi phát do sự tăng tiết bã nhờn tạo môi trường thuận lợi cho nấm Malassezia ovale (Malassezia furfur), vi khuẩn P.acne và một số vi khuẩn khác sinh sôi và phát triển. Bên cạnh đó, bệnh còn liên quan đến một số yếu tố nguy cơ như: thời tiết, hệ thần kinh, bệnh tật, sử dụng chất kích thích, hormon, chế độ dinh dưỡng, viêm nhiễm,...

Một số bệnh viêm da khác: viêm da do virus, viêm da mủ, viêm nang lông,... có liên quan đến các yếu tố ngoại sinh như: môi trường, virus, vi khuẩn, nấm,...; các yếu tố nội sinh: một số bệnh lý, thần kinh, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, cấu trúc di truyền... tác động gây khởi phát bệnh viêm da thần kinh,...

Viêm nang lông do vi khuẩn
Viêm nang lông do vi khuẩn

Đối tượng bệnh lý

Viêm da có thể xảy đến với bất cứ ai, tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh hơn cả là:

Viêm da có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng viêm ở trẻ em và người già thường có nguy cơ cao hơn bởi hệ miễn dịch và làn da đều yếu; tuổi dậy thì hoặc phụ nữ mang thai, sau sinh dễ mắc bệnh do hoocmon thay đổi

Những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị các bệnh dị ứng như hen suyễn, dị ứng môi trường, dị ứng thực phẩm, chàm, sốt cỏ khô, thường xuyên căng thẳng,...

Người thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại, tiếp xúc với một số kim loại, dung môi hoặc chất tẩy rửa làm suy giảm miễn dịch và hàng rào bảo vệ da, kích thích hệ miễn dịch: thợ tóc, nhân viên y tế, nhân viên môi trường, kỹ sư môi trường,..

Người sống ở vùng sông nước, khí hậu khô lạnh

Người có tình trạng sức khỏe yếu bao gồm suy tim sung huyết, bệnh Parkinson và HIV/AIDS, nghiện rượu, sử dụng chất kích thích

Viêm da ở trẻ em thường xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến 15-20% trẻ, trong khi đó người lớn chỉ chiếm 1-3% trên toàn thế giới. Chàm sữa và viêm da dầu (dân gian gọi là cứt trâu) là hai loại viêm da ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm, thường xuất hiện khi sinh ra và sẽ tự hết khi trưởng thành.

Chàm sữa là bệnh lý dễ gặp ở trẻ em
Chàm sữa là bệnh lý dễ gặp ở trẻ em

Biến chứng

Các bệnh viêm da nếu không được phát hiện sớm, tìm đúng nguyên nhân và xử lý đúng cách có thể khiến bệnh lâu khỏi và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Viêm da bội nhiễm: Tổn thương trên da có thể nhiễm khuẩn thứ phát do tụ cầu, liên cầu, nấm, virus khiến vùng da mưng mủ, tích dịch, viêm nhiễm và lở loét da. Bệnh còn gây ngứa, phù nề hoặc có thể đóng vảy tiết gây khó khăn trong quá trình điều trị và có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.

Gây rối loạn giấc ngủ do ngứa dữ dội nhất là vào ban đêm làm suy giảm chất lượng giấc ngủ, khiến người bệnh thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi, cơ thể suy nhược

Làm trầm trọng thêm các bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, suyễn,...

Đỏ da toàn thân: do các bệnh viêm da dầu, vảy nến, bong vảy da do tụ cầu biến chứng, xuất hiện đồng thời dát đỏ và tróc vảy da, da dày và các nếp da hằn sâu, đặc biệt là khi phù nề và thâm nhiễm tế bào, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ. Người bệnh có khả năng bị sốt hoặc hạ nhiệt độ, suy nhược, gầy sút, mất nước, hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết.

Để lại di chứng đến các cơ quan khác: mắt, não, phổi, khớp. Người bị vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp, cứng khớp, nhất là cột sống. Các bệnh viêm da dị ứng có thể tạo điều kiện cho bệnh Eczema herpeticum khởi phát có thể ảnh hưởng đến mắt não, phổi và gan; viêm da cơ địa quanh mắt còn có thể gây biến chứng đục thủy tinh thể.

Biến chứng của vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp
Biến chứng của vảy nến thể khớp có thể làm biến dạng khớp

Chẩn đoán bệnh học

Ngoài việc dựa vào các triệu chứng được biểu hiện trên da, các bác sĩ cần xác định nguyên nhân khởi phát để chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần cung cấp đầy đủ các thông tin về tiền sử bệnh, tiền sử điều trị. Một số phương pháp chẩn đoán được áp dụng:

Đánh giá lâm sàng: với một số bệnh viêm da gây phản ứng nhẹ hoặc tổn thương nhỏ, việc chẩn đoán dựa trên quan sát, đánh giá lâm sàng các biểu hiện bệnh trên da.

Sinh thiết da: là thủ thuật đơn giản, được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán các rối loạn về da. Phương pháp này thực hiện bằng cách lấy mẫu da từ 2-5mm để xét nghiệm mô bệnh học. Thông qua nghiên cứu, thử nghiệm, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác hoặc loại trừ một số bệnh về da và các bệnh lý khác.

Xét nghiệm tìm dị nguyên: bệnh nhân được nghi ngờ có phản ứng dị ứng với một chất nào đó, sẽ được nhỏ các chất được cho là dị nguyên lên da và đợi vài ngày để kiểm tra. Nếu da có phản ứng thì xác định được đúng nguyên nhân gây bệnh

Xét nghiệm máu - IgE: được chỉ định khi có các dấu hiệu dị ứng nhằm sàng lọc và phát hiện các bệnh dị ứng. Mức độ tăng IgE cho biết quá trình dị ứng đang diễn ra nhưng không xác định được cụ thể tác nhân gây bệnh.

Xét nghiệm máu IgE nhằm phát hiện các bệnh viêm da dị ứng
Xét nghiệm máu IgE nhằm phát hiện các bệnh viêm da dị ứng

Bệnh có điều trị được không?

Theo bác sĩ Lê Phương, các bệnh viêm da xuất phát do các yếu tố ngoại sinh (nấm, virus, vi khuẩn, kích ứng do độc côn trùng, cây cối…) như: viêm da tiếp xúc kích ứng, viêm da do virus, zona,... đa số có thể tự khỏi hoặc có thể điều trị được bằng thuốc đặc hiệu.

Các bệnh viêm da do yếu tố nội sinh (phản ứng dị ứng - miễn dịch, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, yếu tố di truyền,...) như: viêm da cơ địa, viêm da dị ứng, á sừng, tổ đỉa, viêm da tiết bã,... hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn. Việc điều trị chỉ dừng lại ở việc kiểm soát và phòng ngừa các triệu chứng.

Người bệnh có thể sử dụng một số thuốc điều trị triệu chứng ngứa ngáy, viêm nhiễm,... kết hợp với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lối sống và sinh hoạt lành mạnh, chăm sóc và bảo vệ da để kiểm soát và tối ưu hiệu quả điều trị.

Giải pháp điều trị

Một số bệnh viêm da nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể chấm dứt các triệu chứng nhanh chóng sau 3 -7 ngày, tổn thương nhanh chóng khô bề mặt, làm lành và tái tạo lớp da mới. Tuy nhiên, khi bệnh đã diễn tiến nặng hơn cần được điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.

Chữa viêm da tại nhà

Người bệnh có thể sử dụng các nguyên liệu dễ kiếm tại nhà để điều trị các bệnh viêm da thể nhẹ, tổn thương nhỏ không lan rộng, không có mủ, không loét và hỗ trợ điều trị kết hợp tuân thủ phác đồ của bác sĩ.

Chữa viêm da bằng tỏi: tỏi có tác dụng kháng viêm, chống khuẩn, ngăn ngừa độc tố tích tụ và làm lành tổn thương trên da. Bên cạnh đó, tỏi còn giúp da khỏe mạnh, chống khô da, bong tróc. Người bệnh có thể dùng dung dịch rượu tỏi được ngâm bởi 2-3 củ tỏi với 1 lít rượu trắng trong 2 tuần, thoa lên vùng da tổn thương buổi sáng và tối mỗi ngày.

Sử dụng lá lốt chữa viêm da: lá lốt có thành phần kháng khuẩn, giảm đau, kháng viêm tốt, nên có thể dùng hỗn hợp lá lốt tươi giã với 1 ít muối để đắp lên vùng da bị tổn thương trong vòng 30 phút. Người bệnh cũng có thể đun lá lốt với nước để xông hơi da.

Lá lốt được xem là “cứu tinh” của những người bị viêm da
Lá lốt được xem là “cứu tinh” của những người bị viêm da

Lá khế chữa viêm da: lá khế là một loại thảo dược có tính mát, giúp giải độc, thanh nhiệt, tiêu viêm và sát khuẩn rất hiệu quả. Người bệnh có thể dùng nước lá khế đã đun sôi với 1 chút muối trắng, để nước nguội bớt rồi ngâm rửa vùng da bị viêm, matxa nhẹ nhàng và kiên trì trong 1 tuần để giảm ngứa, mẩn đỏ và tiêu viêm.

Ngoài ra, người bệnh có thể dùng đá lạnh để chườm lên vùng da tổn thương nhằm giảm sưng tấy, ngứa ngáy hoặc sử dụng một số nguyên liệu khác như nha đam, trầu không, lá ổi, mật ong để ngâm rửa hoặc thoa lên vùng da viêm nhiễm

Sử dụng thuốc tây y

Sử dụng thuốc là phương pháp phổ biến giúp giải quyết nhanh các triệu chứng viêm da khởi phát và ngăn chặn tổn thương lan rộng. Một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị viêm da có thể kể đến như:

Thuốc kháng histamine: có tác dụng giảm dị ứng và giảm ngứa ngáy. Các thuốc kháng histamine là chất đối kháng với histamin - một chất trung gian được phóng thích tác động lên thụ thể gây các phản ứng dị ứng ( phù nề, viêm, ngứa, phát ban,...) khi dị nguyên xâm nhập.

Thuốc kháng sinh, kháng viêm, chống nấm: loại thuốc này được sử dụng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, viêm nhiễm do vết thương hở, tránh bội nhiễm da

Thuốc steroid tại chỗ (corticosteroid): thường sử dụng dạng thuốc bôi, kem bôi để giảm ngứa ngáy, kháng viêm, làm dịu da. Chất corticoid có trong thuốc có khả năng ức chế viêm và giảm lượng collagen trong da, ngăn chặn tình trạng viêm đỏ da.

Thuốc có chứa chất ức chế calcineurin như pimecrolimus và tacrolimus ức chế bệnh chàm và được sử dụng khi các loại thuốc thông thường không còn hiệu quả.

Kem dưỡng ẩm, lotion giúp da mềm mại, giảm khô ngứa, rát đỏ da

Liệu pháp ánh sáng: sử dụng tia cực tím B và Psoralens UVA (PUVA) cũng có hiệu quả cao, kích thích các tế bào da trở lại bình thường và chống viêm nhiễm đối với các bệnh viêm da: viêm da cơ địa, vảy nến, á sừng, tổ đỉa,...

Liệu pháp sinh học: phương pháp điều trị bằng kháng thể đặc biệt: dupilumab , tralokinumab , lebrikizumab và nemolizumab nhằm ngăn chặn các chất trung gian chính gây viêm da ( cytokine )và được sử dụng và phát triển tích cực cho trường hợp viêm da từ trung bình đến nặng.

Thuốc sinh học được dùng trong điều trị viêm da
Thuốc sinh học được dùng trong điều trị viêm da

Đông y trị bệnh viêm da

Theo bác sĩ Lê Phương, YHCT cho rằng nguyên nhân gây viêm da là do phong hàn xâm nhập, kết hợp với phong nhiệt gây ra tình trạng khí huyết uất kết, tích tụ độc tố và hình thành nên các triệu chứng lâm sàng trên da.

Các bài thuốc đông y điều trị viêm da toàn diện, tiêu trừ tà độc gây bệnh, loại bỏ các triệu chứng và giúp dưỡng huyết, nhuận táo, giúp làn da được nuôi dưỡng, hồng hào, sáng khỏe. Đồng thời, thuốc đông y còn chú trọng dự phòng bệnh nhờ tăng cường công năng tạng phủ, nâng cao miễn dịch, tăng cường chức năng gan, thận để gia tăng hiệu quả thải độc. Một số bài thuốc đông y trị viêm da điển hình:

Bài thuốc đông y Tiêu phong tán

Bài thuốc tiêu phong tán có công dụng trừ phong thấp, thanh nhiệt, chống ngứa và áp dụng cho người bệnh bị viêm da mẩn đỏ, nhiều mụn nước, rỉ dịch, phù nề, đau nhói và ngứa ngáy.

Thành phần: 4 gam quốc lão, 6 gam thuyền thoái, 8 gam hắc phong tử, 8 gam phòng phong, 8 gam tri loại, 8 gam thạch cao, 10 gam tần quy, 10 gam kinh giới, 10 gam khổ sâm, 12 gam thổ phục linh, 12 gam sài đất, 12 gam tích tuyết thảo, 12 gam sinh địa, 12 gam bồ công anh, 12 gam hương truật, 12 gam kim ngân hoa.

Thực hiện: sắc các nguyên liệu trên với 2 lít nước rồi đun cạn nhỏ lửa còn ⅔ ấm thì tắt bếp. Người bệnh uống thuốc ngày 3 lần, mỗi lần 1 chén nước thuốc sau ăn.

Bài thuốc đông y trị viêm da Kinh phòng bại độc tán

Bài thuốc Kinh phòng bại độc tán có tác dụng tán phong, trừ thấp, thanh nhiệt, giải độc, cải thiện nhanh các triệu chứng do viêm da gây ra.

Thành phần: thuyền thoái, bạch dược, phòng phong, thương hoạt, đường quất, sà diệp sài hồ, kinh giới, độc hoạt, bạch tiên bì, ngân hoa, bồ công anh và bạch linh.

Thực hiện: sắc các nguyên liệu trên với 2 lít nước trong 1 tiếng với lửa nhỏ rồi tắt bếp. Lọc nước uống ngày 3 lần sau ăn đến khi bệnh khỏi hẳn.

Bài thuốc chữa viêm da Nhất Nam An Bì Thang

Nhất Nam An Bì Thang là bài thuốc trị viêm da được ứng dụng độc quyền tại Trung tâm Da liễu Đông y Việt Nam - đơn vị trực thuộc Nhất Nam Y Viện. Bài thuốc ra đời dựa trên sự nghiên cứu, phát triển phương thuốc trị viêm da do Ngự y triều Nguyễn đặc chế cho vua Gia Long.

Thành phần vị thuốc Nhất Nam An Bì Thang
Thành phần vị thuốc Nhất Nam An Bì Thang

Nhất Nam An Bì Thang điều trị viêm da tận gốc theo cơ chế Tiêu độc dưỡng bì - Ổn định miễn dịch. Đây là cơ chế kết hợp:

Giải trừ độc tố, thanh lọc cơ thể, xử lý triệt để các phản ứng viêm tại da như bong tróc, khô ráp, nổi mụn nước,...

Ổn định cơ địa, cải thiện miễn dịch, tăng cường sức đề kháng giúp ngăn ngừa các rối loạn - dị ứng dẫn đến bệnh viêm da, từ đó mang lại hiệu quả bền vững.

Thành phần Nhất Nam An Bì Thang sử dụng nhiều vị thuốc có đặc tính kháng sinh, thanh nhiệt, giải độc, nuôi dưỡng và làm lành da như tơ hồng xanh, hoàng bá nam, hoàng kỳ, chi tử, tang bạch bì, phòng phong,.... Các chuyên gia cũng phối chế thêm các thảo dược có tác dụng cân bằng miễn dịch, bổ khí bổ huyết điều hòa thể trạng cho người bệnh, chẳng hạn như Atiso, nhân trần, sa sâm, xuyên khung, đương quy,...

Lưu ý điều trị

Bên cạnh việc điều trị viêm da theo phác đồ, người bệnh cần lưu ý một số thông tin dưới đây để tối ưu hiệu quả điều trị, tránh làm vô hiệu hóa tác dụng của các liệu pháp và khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.

Lưu ý trong sử dụng thuốc

Việc sử dụng thuốc có thể cải thiện các triệu chứng và điều trị khỏi bệnh viêm da nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn nếu áp dụng sai cách. Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh:

Tuân thủ đúng phác đồ điều trị viêm da được bác sĩ kê đơn, không được tự ý thay đổi liều lượng và kết hợp với các loại thuốc khác khi không được chuyên gia chỉ định.

Thuốc steroid thường được sử dụng trong 7 -14 ngày, sau đó tần suất sử dụng nên được giảm xuống để tránh các tác dụng phụ nguy hại như teo da, giãn mạch, nổi mụn, rạn da…

Giãn mạch dưới da do lạm dụng thuốc chứa corticoid
Giãn mạch dưới da do lạm dụng thuốc chứa corticoid

Các chất ức chế calcineurin như pimecrolimus và tacrolimus có dược tính mạnh, dùng để thay thế cho các trường hợp da không đáp ứng với steroid nên không được dùng trên vùng da mỏng, nhạy cảm (mặt, cổ,..), không lạm dụng thuốc, tránh gây kích ứng (bỏng da, ngứa da), làm giãn mạch (đỏ da)

Người bệnh nên tránh tắm nước quá lạnh hoặc quá nóng, và cũng không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến da bị mất nước và bị khô.

Trường hợp tổn thương da lan rộng cần được xử lý bằng thuốc tây nhanh chóng để tránh biến chứng và bội nhiễm da

Khi dùng thuốc đông y, người bệnh nên kiên trì sử dụng để cải thiện vùng da tổn thương và cho hiệu quả tối ưu

Chú ý kiêng khem và xây dựng chế độ dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt lành mạnh

Nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa nếu da bị nhiễm trùng, khó chịu, gây đau đớn hoặc tự chăm sóc nhưng các dấu hiệu bệnh không được cải thiện

Lưu ý trong chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe của da. Sử dụng các loại thực phẩm tốt cho bệnh viêm da và loại bỏ các thực phẩm gây hại trong thực đơn giúp người bệnh cải thiện được tình trạng cũng như phòng ngừa bệnh hiệu quả. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên áp dụng các lưu ý sau:

Nên sử dụng các thực phẩm chứa vitamin B5: ngũ cốc, lạc, lòng đỏ trứng gà, hoa quả và rau xanh, thịt gia súc, gia cầm (trừu thịt gà) để cải thiện làn da, hạn chế quá trình lão hóa, ngăn ngừa khô da, bong tróc

Thêm các thực phẩm chứa vitamin E, C: cam, bưởi, cà chua, đu đủ, cải bắp, rau họ đậu,... giúp đẩy mạnh hệ miễn dịch, kháng khuẩn, cung cấp độ ẩm và nuôi dưỡng da mịn màng

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, da căng, không bị khô

Uống nước đủ nước mỗi ngày giúp da được thanh lọc, cấp ẩm
Uống nước đủ nước mỗi ngày giúp da được thanh lọc, cấp ẩm

Hạn chế sử dụng các loại protein và đạm có trong cá, hải sản như tôm, cua, sò biển; thịt dê, bò,... Các loại thực phẩm này có nguy cơ sản sinh histamin gây ngứa và dị ứng da

Không nên sử dụng các đồ uống có gas, chất kích thích, có cồn như rượu bia, chất gây nghiện,...

Không sử dụng các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng hoặc chế biến sẵn có chứa phụ gia, phẩm màu, chất bảo quản

Phòng tránh bệnh học

Bệnh viêm da rất dễ khởi phát do các yếu tố sẵn có trong môi trường có thể tác động và khiến bệnh bùng phát. Để phòng ngừa bệnh, bạn có thể lưu ý một số điều sau:

Sử dụng hóa mỹ phẩm lành tính, không mùi, an toàn cho da. Trường hợp bắt buộc tiếp xúc với các hóa chất, chất tẩy rửa, cần áp dụng phương thức bảo hộ cẩn thận

Chọn quần áo mềm, nhẹ, tránh chà xát, tổn thương da tạo nên các vết thương hở, tạo điều kiện cho các dị nguyên xâm nhập

Chăm sóc, dưỡng ẩm và bảo vệ da hàng ngày bằng dầu, kem hoặc lotion

Giữ vệ sinh môi trường xung quanh nhằm tránh các dị nguyên có trong không khí, nước và các vật dụng

Tránh căng thẳng, mệt mỏi, luôn giữ tâm trạng thoải mái

Không sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện,...

Tập thể dục, yoga thường xuyên để tăng cường sức khỏe, cải thiện cơ địa, tăng cường sức đề kháng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

messenger
chat zalo