Khám Phá Cách Chăm Sóc Da Chân Tại Nhà Cực Đơn Giản, Hiệu Quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Phương | Chuyên Khoa: Da liễu | Nơi công tác: Trung tâm da liễu đông y Việt Nam
Theo dõi Trung tâm da liễu Đông y Việt Nam goole news

Hiện nay, trong chu trình chăm sóc cơ thể hàng ngày, có không ít người bỏ qua bàn chân trong khi đây lại là nơi cần được quan tâm nhiều. Chăm sóc da chân đúng cách sẽ giúp bạn luôn có bàn chân hồng hào, trắng mịn, da mềm và không bị nứt nẻ cũng như có mùi khó chịu. Vậy cụ thể cần dưỡng da thế nào, quy trình ra sao, xử lý các vấn đề chân thường gặp phải bằng cách gì?

Cách chăm sóc da chân trắng mịn cần có những bước nào?

Tương tự như chăm sóc da tay, da mặt, bàn chân cũng sẽ có một số bước dưỡng da nhất định nên thực hiện để có thể nuôi dưỡng làn da luôn mịn màng, mềm mại.

Hàng ngày, chân phải tiếp xúc liên tục với các loại giày dép, nền đất, nguồn nước sẽ dễ bị bẩn và xảy ra các tổn thương ngoài da. Việc chủ quan không chăm da sẽ khiến bàn chân xấu đi rất nhiều, da nhăn nheo, xỉn màu và thậm chí còn có mùi hôi khá khó chịu.

Theo đó, bạn nên có những bước dưỡng da cơ bản sau đây:

Ngâm chân

Sau một ngày dài di chuyển, vận động, chân cần được nghỉ ngơi thư giãn. Cách đơn giản nhất chính là ngâm chân với nước ấm, có thể dùng thêm thảo dược để tạo sự thư giãn, hỗ trợ cải thiện nhiều bệnh lý khác nhau.

Bạn hãy ngâm chân vào chậu nước ấm, dùng thêm đá cuội để chà xát nhẹ vào lòng bàn chân, mu chân và các kẽ ngón chân giúp làm thông thoáng da, kích thích máu lưu thông đều. Nếu không nấu nước thảo dược, chỉ cần dùng nước muối loãng cũng cho hiệu quả tốt. Sau khoảng 20 phút ngâm chân mỗi ngày, bạn sẽ thấy làn da có rất nhiều sự thay đổi, hơn nữa còn cải thiện chất lượng giấc ngủ ban đêm.

Ngâm chân giúp tạo sự thư giãn cho bàn chân sau một ngày hoạt động
Ngâm chân giúp tạo sự thư giãn cho bàn chân sau một ngày hoạt động

Tẩy da chết

Chân rất dễ hình thành lượng da chết lớn bởi phải tiếp xúc với nhiều bụi bẩn mỗi ngày. Bạn nên áp dụng phương pháp tẩy da chết để loại bỏ đi các tế bào già cỗi đã mất chức năng hoạt động. Để thực hiện bước chăm sóc da chân này, chỉ cần chuẩn bị 1 chậu nước ấm, thêm vào nước cốt của 1 quả chanh và ngâm chân khoảng 15 phút. Sau đó bạn dùng bàn chải để chà nhẹ nhàng từng khu vực chân sẽ thấy da chết bật ra rất nhiều.

Dưỡng da chân đều màu hơn

Trong chu trình chăm sóc da hàng ngày, bạn nên chú ý tới bước dưỡng đều màu da. Bàn chân khi tiếp xúc với ánh nắng nhiều sẽ dễ xuất hiện những vùng da sáng tối chênh lệch khá rõ rệt. Khi này, chúng ta có thể thực hiện một số biện pháp dưỡng da tại nhà bằng nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Bạn hãy dùng sữa tươi, chanh, cà chua hoặc các sản phẩm mỹ phẩm phù hợp tùy theo nhu cầu của mỗi người.

Dưỡng ẩm – Bước chăm sóc da chân không thể thiếu

Da chân cần được dưỡng ẩm đều đặn mỗi ngày để không xảy ra tình trạng khô ráp, bong tróc, đặc biệt khi trời chuyển sang mùa đông. Về dưỡng ẩm, có người lựa chọn thoa một số dạng mặt nạ tự nhiên, cũng có những chị em chọn dùng kem dưỡng để tiết kiệm thời gian. Sau một vài tuần kiên trì dưỡng ẩm, bạn sẽ thấy da chân mềm mại hơn rất nhiều, da mịn và luôn có sự sáng hồng xinh xắn.

Chăm sóc da chân bằng cách dưỡng ẩm đều đặn
Chăm sóc da chân bằng cách dưỡng ẩm đều đặn

Đắp mặt nạ

Có khá nhiều chị em tỏ ra ngạc nhiên khi biết chân cũng cần đắp mặt nạ. Thực tế, cách làm đẹp này cũng tương tự như dưỡng ẩm cho chân, tuy nhiên chúng ta sẽ dùng các công thức mặt nạ để tăng cường dưỡng chất tức thì cho tế bào, giải quyết được nhiều vấn đề da chân đang gặp phải ngay thời điểm đó. Hiện nay, mọi người thường sẽ chọn dùng các nguyên liệu tự nhiên để làm mặt nạ cho bàn chân ngay tại nhà.

Có biện pháp bảo vệ chân

Trong các bước chăm sóc da chân hàng ngày, không thể bỏ qua những biện pháp bảo vệ cho đôi chân. Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, cường độ tia UV từ mặt trời rất mạnh, bạn nên sử dụng kem chống nắng cho cả chân và mang tất để hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực. Như vậy, các bước dưỡng da khác sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Một số vấn đề da liễu ở chân và cách xử lý hiệu quả nhất

Không khác mặt hay bàn tay, bàn chân cũng có nguy cơ xảy ra khá nhiều vấn đề da liễu khác nhau. Mặc dù không gây hại cho sức khỏe nhưng làm mất thẩm mỹ đôi chân, đôi khi còn cản trở các công việc của người bị. Hiện nay, những vấn đề thường gặp nhất ở bàn chân gồm có:

Chân đổ nhiều mồ hôi

Có thể nói rằng, mồ hôi ở bàn chân là vấn đề rất nhiều người mắc phải hiện nay và đau đầu không biết làm thế nào. Y học hiện đại đã gọi đây là hội chứng Hyperhidrosis. Thực tế, khi thời tiết nóng nực, bất cứ ai cũng có thể bị đổ mồ hôi ở lòng bàn chân, bàn tay hay các vị trí khác trên cơ thể, nhưng tình trạng này sẽ xảy ra mọi thời điểm đối với người bị Hyperhidrosis dù trời đang rất lạnh. Theo thống kê thu được từ các cơ sở y tế, chân đổ mồ hôi xảy ra ở phái mạnh nhiều hơn và thường gặp trong nhóm người trẻ tuổi.

Chân luôn có mồ hôi sẽ bị ẩm ướt rất khó chịu, dễ gây ra mùi hôi, làm da bị loét và ngứa ngáy. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể áp dụng cách sau:

  • Vệ sinh bàn chân sạch sẽ với xà bông, làm sạch mồ hôi, bụi bẩn và cả bã nhờn.
  • Sau đó dùng khăn sạch thấm khô chân, dùng bột ngô hoặc bột chống nấm rồi thoa đều lên chân. Qua vài phút, xoa hai bàn chân vào nhau cho rơi hết bột.
  • Nên lựa chọn các loại tất và giày thông thoáng, có khả năng thấm hút mồ hôi tốt, tuyệt đối không xỏ giày hoặc tất còn ẩm.

Trong trường hợp mồ hôi đổ ra quá nhiều, dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không đạt được kết quả tốt, bạn hãy tới bệnh viện thăm khám để thử các phác đồ điều trị khác.

Chân đổ mồ hôi cần vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày
Chân đổ mồ hôi cần vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày

Chăm sóc da chân bị chai

Bàn chân bị chai sần sẽ luôn có những lớp sừng khá cứng ở trên da, đặc biệt khu vực gót chân, mu bàn chân và các đốt giữa ngón chân. Tình trạng này được xác định chủ yếu xảy ra bởi bàn chân thường đi các loại giày dép chật, các hậu quả từ bệnh nghề nghiệp như vận động viên thể thao, lễ tân, nhân viên bán hàng phải đứng liên tục nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày.

Chai chân không thể tự biến mất nếu bạn không có cách chăm sóc, chúng sẽ ngày càng dày lên và lan rộng hơn. Với những trường hợp này, chúng ta nên chăm sóc như sau:

  • Khi đi giày, cao gót, nên dùng tất để hạn chế các ma sát từ giày vào làn da.
  • Có thể dùng những miếng đệm lót giúp hạn chế áp lực từ trọng lượng cơ thể dồn lên chân, đặc biệt khi bạn phải đứng nhiều.
  • Khi đi tắm, bạn có thể dùng đá cuội để chà sát cũng sẽ làm mòn các lớp chai sần rất tốt.

Nổi mụn cóc

Từ lâu, mụn cóc đã là vấn đề da liễu khiến người mắc rất mệt mỏi khi chúng tái phát liên tục, không biết làm sao để trị dứt điểm. Các bác sĩ cho biết, mụn thường hình thành bởi bàn chân tiếp xúc trực tiếp với các dạng địa chất ẩm ướt, nhiều chất bẩn, vi khuẩn, virus gây hại. Mụn hay mọc ở lòng bàn chân khiến việc đi lại bị cản trở, người bệnh luôn thấy rất khó chịu.

Đối với mụn cóc, cách chăm sóc phù hợp nhất chính là tới các cơ sở y tế để thăm khám, thực hiện các thủ thuật phẫu thuật, bắn laser.

Nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị khi bị mụn cóc
Nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị khi bị mụn cóc

Hôi chân

Chăm sóc da chân như thế nào khi có mùi hôi khó chịu? Mùi hôi có thể xuất phát từ việc bạn sử dụng các loại giày, tất có chất liệu kém, không thấm hút tốt, tích tụ nhiều vi khuẩn. Ngoài ra, cũng có thể do chân ngâm trong nước lâu, đi vào những vùng nước ô nhiễm, nước thải nhưng không được vệ sinh cẩn thận.

Đối với những người bị hôi chân, có thể sử dụng những mẹo cải thiện sau:

  • Luôn rửa chân sạch sẽ bằng xà bông và nước ấm mỗi ngày, sau đó lau thật khô trước khi đi giày, dép hoặc tất.
  • Nên dùng thêm phấn rôm, phấn thoa chân để hút hết ẩm và mùi khó chịu.
  • Không đi lại tất đã sử dụng của ngày hôm trước, tất phải được thay và giặt sạch sẽ trước khi dùng.
  • Buổi tối nên ngâm chân với nước trà đặc hoặc ngâm phèn chua cũng cho hiệu quả khá tốt.

Chân bị nấm tấn công

Các vận động viên là những người có nguy cơ bị nấm chân rất cao do môi trường trong thay đồ, phòng tắm, bể bơi,… là những khu vực ẩm ướt, dễ tích tụ nhiều vi khuẩn cũng như có nguy cơ lây nhiễm bệnh da liễu khá lớn. Nấm chân thường thể hiện bằng các triệu chứng da xuất hiện mụn nước, ngứa ngáy, ửng đỏ, khi mụn vỡ sẽ có lớp vảy dày trên da. Một số trường hợp nặng sẽ bị nấm cả móng chân.

Để chữa trị, cần phải thật sự kiên trì áp dụng các biện pháp dùng thuốc cũng như chăm sóc da chân tại nhà thật khoa học. Thông thường bệnh nhân sẽ được hướng dẫn dùng muối Epsom để ngâm chân, ngoài ra có thêm thuốc bôi, thuốc rửa và xịt tại chỗ.

Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì thói quen rửa chân với xà bông mỗi ngày và lau chân thật khô ráo trước lúc đi ngủ. Nên lựa chọn các loại dép thông thoáng khi không phải luyện tập và hạn chế đi chân trần.

Mẹo chăm sóc da chân bằng nguyên liệu tự nhiên

Có rất nhiều nguyên liệu tự nhiên có thể sử dụng để chăm sóc da chân tại nhà. Theo đó, trên các hội nhóm làm đẹp hiện nay, nhiều chị em đang truyền nhau sử dụng những mẹo cực đơn giản như:

Dùng chuối chín chăm sóc da chân bị khô

Không chỉ mang tới nhiều công dụng tuyệt vời cho da mặt, chúng ta hoàn toàn có thể dùng chuối chín để dưỡng da chân hàng tuần. Nhờ lượng vitamin cùng các axit amin dồi dào, chuối sẽ nhanh chóng làm mềm da, sạch da chết, da sáng đều màu hơn. Qua một vài tuần sử dụng, bạn sẽ thấy da chân có sự thay đổi rất đáng kể.

Dùng 1 – 2 quả chuối chín mềm, đem nghiền nhuyễn rồi thêm vào một chút sữa tươi. Bạn rửa chân thật sạch rồi đắp đều hỗn hợp lên da, có thể dùng màng bọc thực phẩm để bọc lại trong 20 phút. Cuối cùng rửa chân với nước ấm.

Chuối là nguyên liệu chăm sóc da chân rất an toàn
Chuối là nguyên liệu chăm sóc da chân rất an toàn

Chăm sóc da chân bằng dầu oliu

Là thành phần được dùng rất nhiều trong các loại kem dưỡng hiện nay, dầu oliu mang tới khả năng dưỡng ẩm, làm mềm mịn da, giảm tình trạng da xỉn màu rất tuyệt vời nhờ vào lượng vitamin E dồi dào. Theo đó, khi dùng dầu oliu thường xuyên, tình trạng da chân bị nứt nẻ, chai sạm sẽ được khắc phục nhanh hơn, các vùng da bong tróc ít đi rõ rệt.

Vào buổi tối trước lúc đi ngủ, bạn hãy làm sạch da rồi thoa lượng vừa đủ dầu oliu, massage cho dầu thấm đều vào chân và để tới sáng hôm sau rửa lại. Cần duy trì đều đặn hàng ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Sử dụng mật ong

Chăm sóc da chân bằng mật ong là phương pháp phái đẹp rất ưa chuộng sử dụng. Mật ong có chứa nhiều dưỡng chất giúp làm mềm  da, tẩy da chết, tiêu diệt vi khuẩn, kích thích da mới tái tạo khỏe mạnh hơn. Do đó, không chỉ dùng được cho mặt hay tay, mật ong ngày càng trở thành lựa chọn được ưu ái đặc biệt trong quá trình dưỡng da chân.

Bạn hãy dùng 2 – 3 thìa mật ong nguyên chân hòa vào nước ấm, ngâm chân trong 15 đến 20 phút rồi rửa lại thật sạch.

Mật ong làm mịn da, tẩy da chết và dưỡng da sáng hồng
Mật ong làm mịn da, tẩy da chết và dưỡng da sáng hồng

Công thức giấm táo

Giấm táo nổi tiếng là nguyên liệu tẩy da chết, kháng viêm, diệt khuẩn. Hiện nay có rất nhiều công thức làm đẹp có sự góp mặt từ giấm. Đối với việc dưỡng da chân, các chị em có thể tận dụng giấm mỗi tuần 2 – 3 lần, làn da dần sáng màu hơn, sạch tế bào sừng, các vết nứt cũng được đẩy lùi rất hiệu quả, an toàn.

Bạn hãy pha giấm táo với nước ấm rồi ngâm chân khoảng 20 phút. Sau khi ngâm xong sẽ rửa lại chân và lau thật khô.

Lá nha đam dưỡng da chân

Nếu bạn có sẵn nha đam tại nhà, hãy tận dụng ngay để chăm sóc da chân khô sạm. Chúng ta đều đã rất quen thuộc với nha đam – một loại nguyên liệu có lượng nước lớn, nhiều vitamin, khoáng chất giúp làm mềm da, tạo độ ẩm, hạn chế bong tróc và duy trì sự săn chắc cho da. Vì vậy, sẽ thật thiếu sót nếu bạn bỏ qua mẹo làm đẹp đơn giản này.

Hãy dùng 1 -2  nhánh nha đam lớn, rửa sạch, gọt vỏ rồi lấy phần gel nha đam thoa đều lên chân. Quấn màng bọc thực phẩm quanh bàn chân để tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất cho làn da. Sau 20 phút bạn tháo lớp màng và rửa với nước mát.

Lá nha đam cung cấp nhiều dưỡng chất cho da chân
Lá nha đam cung cấp nhiều dưỡng chất cho da chân

Một số mỹ phẩm chăm sóc da chân được ưa chuộng nhất hiện nay

Bên cạnh những nguyên liệu chăm sóc da từ tự nhiên, bạn có thể kết hợp thêm những dòng kem dưỡng chuyên dụng dành cho chân. Những sản phẩm này được tổng hợp nhiều thành phần dưỡng chất khác nhau, cho tác dụng làm trắng da, đều màu da, tạo độ ẩm, hạn chế nứt nẻ và bong tróc, da luôn mềm mại hồng hào. Trong đó, những loại kem được nhiều người đánh giá tốt nhất phải kể tới:

  • Innisfree Perfect Fresh Foot Cream: Kem dưỡng da chân của Innisfree đã quá nổi tiếng trên thị trường hiện nay. Sản phẩm được sản xuất với các thành phần tự nhiên nổi bật trên đảo Jeju, cho hiệu quả chuyên sâu, an toàn với da, giá thành hợp lý. Bằng các thành phần như chiết xuất từ chanh, nước tinh khiết đảo Jeju, da sẽ có độ ẩm cao, giảm xỉn màu, chai sạm, các vết nứt được giải quyết nhanh và còn loại bỏ mùi hôi chân cực hiệu quả. Giá bán tham khảo: 220.000đ/sản phẩm.
  • Jigott Snail Real Moisture: Gợi ý tiếp theo cũng được nhiều chị em biết tới hiện nay là sản phẩm Jigott Snail Real Moisture xuất xứ cũng từ Hàn Quốc. Kem dưỡng đã được nhiều chuyên gia đánh giá cao, có hiệu quả dưỡng da tốt, phù hợp với mọi đối tượng. Làn da sạch các tế bào chết, giảm nứt, bong tróc da, các vùng da tối màu cải thiện khá rõ rệt sau một vài tuần sử dụng. Thành phần được dùng trong kem gồm có chiết xuất từ ốc sên cùng nhiều hoạt chất cấp nước, dưỡng trắng khác. Giá bán tham khảo: 130.000đ/sản phẩm.
  • Kem chăm sóc da chân 3W Clinic: Với các chị em, 3W Clinic có lẽ đã không còn xa lạ khi nhắc tới những dòng kem dưỡng da chân chất lượng nhất. Ngay từ khi mới ra mắt thị trường, sản phẩm đã tạo nên cơn sốt lớn bởi khả năng dưỡng da cực cao, da sáng hồng, mịn màng và mềm mại hơn rất nhiều. Hơn nữa hương thơm của kem cũng rất dịu nhẹ, giá thành khá mềm nên càng được lòng người dùng hơn. Giá bán tham khảo: 45.000đ/sản phẩm.

Như vậy, cần chăm sóc da chân như thế nào, đâu là những sản phẩm dưỡng da phù hợp đã được chúng tôi chia sẻ cụ thể. Bạn đọc qua đây có thể chọn cho mình những bí quyết nuôi dưỡng, bảo vệ làn da phù hợp. Ngoài ra cũng cần chú ý luôn giữ vệ sinh chân thật tốt để hạn chế các yếu tố gây hại tới đôi chân.

Cùng chuyên mục:

Cập nhật lúc 09:32 - 06/03/2024
5/5 - (1 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

messenger
chat zalo