Rạn Da Chân: Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và Cách Chữa Trị Hiệu Quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII Lê Phương | Chuyên Khoa: Da liễu | Nơi công tác: Trung tâm da liễu đông y Việt Nam
Theo dõi Trung tâm da liễu Đông y Việt Nam goole news

Rạn da chân không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng khiến nhiều người tự ti, stress, thường phải mặc quần che đi vết rạn khi ra đường. Vậy, tình trạng này xuất hiện do đâu, thường gặp ở đối tượng nào và cách chữa ra sao? Bài viết dưới đây sẽ thông tin chi tiết tới độc giả về vấn đề rạn da chân.

Rạn da chân là gì?

Rạn da chân xảy ra khi da bị kéo căng giãn trong thời gian dài, các mô liên kết dưới da bị đứt gãy do không được hỗ trợ. Khi đó, các vết rạn sẽ hình thành và xuất hiện ngoài da. Tình trạng này không gây nguy hiểm đến sức khoẻ nhưng ảnh hưởng đến ngoại hình, thẩm mỹ, khiến bạn tự ti nếu mắc phải.

Rạn da chân thường gặp nhất ở tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai
Rạn da chân thường gặp nhất ở tuổi dậy thì và phụ nữ mang thai

Nếu mắc rạn da chân, cụ thể là rạn da bắp chân, thì trước đó có khả năng bạn đã từng bị rạn ở những bộ phận khác như bụng, rạn da mông, đùi. Bất kỳ ai cũng có thể bị rạn da chân, tuy nhiên 3 nhóm người xếp vào nguy cơ cao gồm: Phụ nữ mang thai, người ở tuổi dậy thì và người thường xuyên tập thể hình.

Nguyên nhân gây rạn da ở chân

Lý do gây ra rạn da chân cũng giống như với các bộ phận khác trên cơ thể. Điển hình là các nguyên nhân dưới đây: 

  • Di truyền: Yếu tố này là lý do điển hình gây ra hầu hết các bệnh da liễu. Người thân trong gia đình có tiền sử rạn da trước đó, bạn sẽ có nguy cơ mắc cao hơn so với người khác. 
  • Dùng quá liều thuốc corticoid: Một số bệnh nhân phải sử dụng thuốc chứa corticoid trong thời gian dài hoặc những người lạm dụng quá liều so với chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể bị rạn da ở chân hoặc bắp chân. 
  • Tăng cân đột ngột: Cân nặng tăng đột ngột sẽ dẫn đến sự phá vỡ liên kết các mô dưới da, dẫn đến da bị căng giãn và hình thành các vết rạn. Ngoài ra, nếu giảm cân nhanh cũng được coi là một nguy cơ vì lúc này da sẽ bị mất tính đàn hồi, chảy xệ. 
  • Mang thai và sau sinh: Thường thì giai đoạn này các vùng da ở bụng, đùi của phụ nữ có nguy cơ bị rạn cao hơn. Tuy nhiên, nếu trọng lượng cơ thể tăng mạnh thì rạn da bắp chân hoàn toàn có thể xảy ra.
  • Dậy thì: Thời điểm cân nặng, chiều cao có sự phát triển mạnh mẽ. Thanh thiếu niên ở giai đoạn này thường bị rạn da chân do béo phì hoặc tăng cơ. 
  • Hội chứng Marfan & Hội chứng Cushing’s: Người bị mắc bệnh lý này có thể bị rạn da mà không thay đổi về cân nặng cơ thể. Nguyên nhân là bởi sự suy yếu hệ thống da. 

Biểu hiện rạn da chân như thế nào?

Rạn da chân xảy ra chủ yếu ở bắp chân do khu vực tập trung cơ và dễ bị tích tụ mỡ. Ban đầu, bạn có thể cảm nhận có chút nóng rát, ngứa nhẹ mà không xuất hiện dấu hiệu gì đặc biệt. Sau đó, khi bắp chân hình thành các vết rạn, chúng sẽ có đặc điểm như sau: 

  • Vết rạn có màu tím đậm, hoặc nâu, phân biệt rõ được với các vùng da xung quanh
  • Các đường rạn tập trung tại một khu vực, có rãnh và song song nhau
  • Thời gian đầu, bạn có thể cảm thấy ngứa ở các vết rạn 
  • Dần dần, màu sắc của các đường rạn sẽ chuyển sang màu hồng nhạt, trắng bạc. Điều này còn phụ thuộc vào cơ địa, sắc tố da của mỗi người.
  • Nếu bị rạn nghiêm trọng, khi sờ vào bạn sẽ thấy hơi lõm. 
Các vết rạn da chân sau một thời gian sẽ chuyển từ đỏ sang trắng bạc
Các vết rạn da chân sau một thời gian sẽ chuyển từ đỏ sang trắng bạc

Cách trị rạn da chân

Các phương pháp trị rạn da chân thực chất có tác dụng hỗ trợ một phần để đẩy lùi các vết rạn chứ không thể làm chúng biến mất dứt điểm. Nếu phát hiện sớm và áp dụng chữa ngay từ đầu sẽ mang lại kết quả khả quan hơn. 

Dưới đây là các cách phổ biến thường được áp dụng để trị rạn da chân: 

Trị rạn da chân bằng các nguyên liệu thiên nhiên

Cách này bạn có thể thực hiện vô cùng đơn giản tại gia. Nguyên liệu đều là các thành phần tự nhiên và dễ kiếm, có thể luôn sẵn trong nhà bạn. Một điểm cộng lớn là phương pháp này có thể áp dụng cho mọi trường hợp, mọi làn da mà không lo kích ứng hay nguy hại về sức khỏe.

Nha đam

Trong gel nha đam có chứa rất nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe nói chung và làn da nói riêng. Một lượng lớn collagen thực vật trong loại cây này hỗ trợ nuôi dưỡng da, củng cố độ đàn hồi, giúp da co giãn tốt, ngăn chặn sự hình thành các vết rạn da ở chân. Nha đam còn chứa các loại vitamin như E, C cân bằng sắc tố da, giảm cảm giác ngứa khi vết rạn xuất hiện.

Chưa kể, hoạt chất polysaccharides, glycoprotein trong loại cây này còn giúp trẻ hoá da và làm đầy vết lõm do rạn da ở bắp chân.

Cách thực hiện: 

  • Gọt vỏ nhánh nha đam và lấy phần gel bên trong đem rửa sạch
  • Thái nhỏ gel nha đam cho một lượng vừa đủ vào bát nhỏ. 
  • Lấy 2-3 viên nang vitamin E, chọc lấy dung dịch vào bát đựng gel nha đam rồi trộn đều
  • Đem hỗn hợp đắp lên vùng da bị rạn ở chân và massage đều theo chiều kim đồng hồ trong 5-10 phút. Có thể để thêm 20 phút rồi rửa sạch.
  • Thực hiện tần suất 1 lần 1 ngày nếu có thời gian hoặc giảm còn 2-3 lần một tuần.
Nha đam có thể được dùng để làm mờ các vết rạn
Nha đam có thể được dùng để làm mờ các vết rạn

Dầu oliu

Dầu oliu luôn có mặt trong danh sách các thực phẩm thiên nhiên dưỡng da hàng đầu. Vitamin E có trong dầu oliu giúp cấp ẩm cho da hoàn hảo, nuôi dưỡng da luôn mềm mịn. Ngoài ra, thành phần chất béo sẽ có tác dụng chống oxy hoá, phục hồi các thương tổn ngoài da và kích thích sản sinh collagen cho da săn chắc. Qua đó, các vết rạn ở bắp chân sẽ phần nào mờ đi.

 Cách thực hiện: 

  • Lấy khoảng 2-3 thìa dầu oliu nguyên chất cho vào chảo hoặc lò vi sóng làm nóng lên
  • Bỏ ra để nguội thì dùng bông thấm dầu thoa lên bắp chân hoặc các vùng da rạn khác 
  • Massage trong vòng 5-10 phút cho tinh chất trong dầu thẩm thấu hết vào da. Để 30 phút rồi rửa sạch. Có thể để dầu trên da qua đêm.
  • Thực hiện với tần suất một lần một ngày trước khi đi ngủ. Kiên trì đều đặn đến khi thấy được hiệu quả. 

Dầu dừa

Giống như dầu oliu, trong dầu dừa có chứa vitamin E và chất béo. Hai thành phần này kết hợp sẽ giúp da được cấp ẩm, trở nên mịn màng hơn và hạn chế nguy cơ oxy hoá da. Các vết rạn da chân sẽ mềm hơn và dần mờ đi. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy 1-2 thìa dầu dừa nguyên chất rồi thoa trực tiếp lên da chân bị rạn
  • Massage từ 5-10 phút cho tinh chất thẩm thấu vào da rồi rửa sạch lại với nước
  • Thực hiện 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối. Nếu không có thời gian, hãy làm một lần trước khi đi ngủ.

Lưu ý: Dầu dừa khá bết dính, không nên bôi quá nhiều và vệ sinh lại ngay sau khi sử dụng. 

Sữa tươi 

Trong sữa tươi có chứa protein, enzyme, acid lactic,… Các thành phần giúp tăng cường sức đề kháng cho da, làm săn chắc da và cải thiện các mảng da tối màu. Qua đó, làn da sẽ được cải thiện sắc tố. Chưa kể sữa tươi còn có công dụng làm trắng sáng da. Nếu dùng thực phẩm này thường xuyên, các vết rạn sẽ mờ đi hiệu quả. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy 1-2 thìa sữa tươi thoa trực tiếp lên vùng da chân bị rạn
  • Massage nhẹ nhàng trong vài phút rồi để sữa tươi trên da khoảng 20 phút.
  • Rửa sạch lại với nước
  • Thực hiện đều đặn 1-2 lần mỗi ngày để đạt kết quả tốt. 
Sữa tươi vừa có công dụng làm trắng vừa có thể làm mờ các vết rạn da hiệu quả
Sữa tươi vừa có công dụng làm trắng vừa có thể làm mờ các vết rạn da hiệu quả

Lòng trắng trứng gà 

Lòng trắng trứng gà chứa nhiều dưỡng chất tốt cho da: Protein đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào da mới, Collagen, vitamin A,B,axit amin củng cố độ đàn hồi cho da, giúp da chắc khỏe và ngăn ngừa sự xuất hiện của các vết rạn.

Cách thực hiện: 

  • Lấy một quả trứng gà, tách lấy lòng trắng
  • Lấy bông gòn thấm lòng trắng trứng trực tiếp lên các vùng da rạn 
  • Massage nhẹ nhàng rồi rửa sạch lại với nước sau 20 phút 
  • Tần suất thực hiện khoảng 3-4 lần một tuần 

Ngoài ra, bạn có thể trộn kết hợp trứng gà với nước cốt chanh và mật ong để đắp lên các vùng da chân bị rạn.

Sữa chua không đường

Đây là một loại thực phẩm có thể dưỡng da bằng cả đường uống và tác động từ bên ngoài. Trong sữa chua có chứa probiotic, protein, axit lactic chống lại sự oxy hoá, trẻ hoá da và bảo vệ da trước các tác động có hại của ánh nắng mặt trời. Qua đó, làn da tăng sức đề kháng và ngăn ngừa các vết rạn xuất hiện. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy 1 hộp sữa chua không đường, có thể trộn với 2 thìa mật ong 
  • thoa trực tiếp lên vùng bắp chân hoặc một số khu vực bị rạn khác
  • Massage đều tay theo chuyển động vòng tròn trong 3-3 phút 
  • Để sữa chua trên da khoảng 20-30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch 
  • Tần suất thực hiện từ 3-4 lần 1 tuần, đều đặn cho đến khi các vết rạn mờ dần.

Mỡ trăn

Không chỉ được coi như “thần dược” trị bỏng, mỡ trăn còn là nguyên liệu dân gian thường được dùng để trị rạn da. Lượng axit béo không bão hoà, hoạt chất tự nhiên dồi dào trong mỡ trăn giúp da được kháng khuẩn, giảm ngứa, giảm kích ứng không mong muốn. Sau khi sử dụng mỡ trăn, các tế bào da sẽ được tạo mới, làm mờ vết rạn da chân. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy một lượng vừa đủ mỡ trăn rồi thoa lên vùng da bị rạn
  • Massage qua vài phút cho mỡ trăn thấm vào da
  • Thực hiện ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối để tăng hiệu quả 

Nghệ

Trong nghệ có chứa hoạt chất curcumin giúp kháng khuẩn, kháng viêm và làm mờ sẹo cho da. Do đó, loại củ này cũng được áp dụng để hỗ trợ làm mờ các vết rạn. 

Cách thực hiện: 

  • Lấy khoảng 1 củ nghệ tươi, rửa sạch rồi giã nhuyễn
  • Sau đấy đem phần nghệ đắp lên vùng da chân bị rạn
  • Để trong khoảng 20-30 phút sau đó rửa sạch lại với nước 
  • Thực hiện tần suất 3-4 lần một tuần cho tới khi thấy được hiệu quả.
Nghệ là nguyên liệu thiên nhiên nổi tiếng trị các vết sẹo, rạn
Nghệ là nguyên liệu thiên nhiên nổi tiếng trị các vết sẹo, rạn

Khoai tây 

Khoai tây chứa thành phần gồm các loại axit và vitamin A,B,… có tác dụng làm trắng sáng và cấp ẩm cho da. Bên cạnh đó, sử dụng khoai tây tươi còn có khả năng chống lão hoá và làm mờ các vết rạn trên bất kỳ vùng nào của cơ thể.

Cách thực hiện: 

  • Lấy 1 củ khoai tây rửa sạch, gọt vỏ rồi cắt thành các lát mỏng
  • Dùng lát khoai tây chà sát lên khu vực da bị rạn trong khoảng 5 phút 
  • Sau đó đắp các lát khoai tây lên da và để từ 20-30 phút rồi bỏ ra 
  • Thực hiện với tần suất 3 lần một tuần.

Bạn không nên quá lạm dụng phương pháp này, chỉ nên thực hiện cách ngày. Trong khoai tây có tính tẩy mạnh, dùng nhiều sẽ dẫn tới ăn mòn da. 

Sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên tại nhà tương đối tiết kiệm và tiện lợi. Tuy nhiên, với các thành phần thiên nhiên lành tính, tác dụng sẽ phát huy chậm và chỉ có kết quả với vết rạn mới. Nếu áp dụng cách này để trị rạn da chân, bạn cần duy trì đều đặn trong một thời gian dài để có được kết quả như mong muốn. 

Dùng kem dưỡng chữa rạn da chân

Kem dưỡng tại chỗ trị rạn da chân là một lựa chọn không tồi. Hầu hết các sản phẩm phục hồi rạn da đều có chứa thành phần chiết xuất thiên nhiên, không hóa chất như tinh dầu dừa, tinh dầu oliu, mật ong, vitamin E, A, collagen. Do đó, mọi loại da đều có thể sử dụng, an toàn với cả phụ nữ mang thai và cho con bú. 

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thương hiệu trị rạn da khác nhau. Để yên tâm khi sử dụng, bạn có thể tham khảo một số loại kem uy tín như: Palmer’s, dầu Argan, Bio Oil, Pigeon, Trilastin, Happy Event, Vichy,…

Với phụ nữ đang mang bầu hoặc trong giai đoạn cho con bú, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.

Can thiệp thủ thuật phòng khám

Với các trường hợp rạn da nghiêm trọng, lâu năm thì áp dụng các cách dân gian hoặc dùng kem bôi tại chỗ thường không có hiệu quả. Nhiều người sẽ tìm đến phương pháp dùng thủ thuật hiện đại bằng máy móc để trị liệu các vết rạn da. 

Một số thủ thuật phổ biến thường được đưa vào thực hiện để làm mờ các vết rạn gồm:

  • Trị rạn da bằng Laser: Laser xung nhuộm màu, Laser Excimer 
  • Peels da hay còn thường gọi là lột da 
  • Mài da vi điểm
  • Lăn kim (Microneedling)
  • Phẫu thuật thẩm mỹ da 
  • PRP – Huyết tương giàu tiểu cầu 

Biện pháp trị rạn da chân bằng công nghệ hiện đại có thể đem lại hiệu quả ngay sau lần trị liệu đầu tiên. Tuy nhiên, tuỳ vào cơ địa và mức độ rạn mà tác dụng đem lại sẽ khác nhau. Bạn cần lưu ý về một số triệu chứng có thể gặp phải trên da như kích ứng sau khi thực hiện. Để tránh gặp phải những vấn đề không mong muốn, hãy tham khảo kỹ ý kiến chuyên gia.

Một số lưu ý khi bị rạn da chân? 

Để quá trình trị rạn da chân có được kết quả tích cực, ngoài việc áp dụng các phương pháp trên, bạn cần phải ghi nhớ một số vấn đề sau: 

  • Kiểm soát cân nặng: Tăng cân là nguyên nhân chính dẫn đến rạn da. Đặc biệt ở các giai đoạn như dậy thì, mang thai, bạn cần để tâm tới sự thay đổi của trọng lượng cơ thể. Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt để hạn chế nguy cơ tăng hoặc giảm đột ngột. 
  • Không tập luyện quá sức: Nếu bạn tập thể hình cường độ cao trong thời gian dài, các cơ sẽ căng giãn và hình thành vết rạn. Vậy nên, hãy cân bằng việc tập luyện sao cho hợp lý ngay từ hôm nay
  • Uống nhiều nước: Uống đủ 2-3 lít nước mỗi ngày để da luôn được cấp đủ nước, củng cố độ đàn hồi cho da. Qua đó, làn da sẽ săn chắc và ngăn ngừa các vết rạn mới xuất hiện. 
  • Không lạm dụng thuốc corticoid: Những ai đang sử dụng loại thuốc này, cần tuân theo liều lượng và chỉ định của bác sĩ. Dùng corticoid quá liều sẽ có nguy cơ rạn da cao. 
  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A,E,kẽm,protein vào thực đơn hàng ngày để giúp da săn chắc, có khả năng tái tạo mới và ngăn ngừa rạn hiệu quả. 

Rạn da chân thường ít gặp hơn so với trường hợp rạn da ở bụng, mông, đùi. Tuy nhiên, bạn đừng chủ quan nếu không muốn trên cơ thể trú ngụ các vết rạn xấu xí về lâu dài. Bài viết trên thông tin đầy đủ về rạn da chân và các cách chữa hiệu quả. Nếu đang phải đối mặt với tình trạng này, hãy tìm ngay cho mình một giải pháp điều trị phù hợp.

Tham khảo thêm:

Cập nhật lúc 14:45 - 03/04/2024
4/5 - (3 bình chọn)

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

messenger
chat zalo